TextHead
TextBody
logo
ATLAS CÁC LOÀI SINH VẬT
Quần Đảo Trường Sa
icon

Phát hiện mới về một số loài động vật không xương sống ở khu vực Quần đảo Trường Sa và Việt Nam

02/04/2023

Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa với hàng chục đảo san hô vòng nằm rải rác trên một vùng nước nông rộng lớn ở phía Đông Nam Biển Đông. Khu vực này nằm tiếp giáp với Tam giác San hô, một Trung tâm đa dạng sinh học và được ưu tiên bảo tồn ở Thái Bình Dương. Để bảo vệ các quần xã san hô độc đáo và các loài sinh vật quý hiếm, nhiều nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế đã đề xuất thành lập khu bảo tồn biển ở quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, ngoài một số nghiên cứu về trạng thái các quần xã san hô và sinh vật đáy riêng lẻ, khu hệ động vật biển ở quần đảo Trường Sa còn ít được nghiên cứu, thống kê một cách đầy đủ. Từ năm 2018 đến năm 2021, các cán bộ nghiên cứu Việt Nam và Nga của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát trên khu vực quần đảo Trường Sa, thu thập được các mẫu vật của một số nhóm động vật khác nhau lần đầu tiên ghi nhận được ở quần đảo Trường Sa và Việt Nam.
Phát hiện mới về giống Mastoniaeforis, họ Triphoridae
Các loài thuộc giống Mastoniaeforis phân bố chủ yếu ở Ấn Độ Dương - Tây Thái Bình Dương với 10 loài đã được ghi nhận trên thế giới. Tuy nhiên, các tài liệu công bố, đến nay chưa có các thông tin nào ghi nhận được giống này ở Việt Nam. Theo Nguyễn Tài Tú, cán bộ nghiên cứu, phòng Sinh thái Nước thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cho biết, trong hai chuyến khảo sát vào tháng 5 năm 2019, tháng 10 năm 2020 tại quần đảo Trường Sa đã thu thập tổng cộng 44 mẫu vật và xác định được ba loài thuộc giống Mastoniaeforis. Trong đó, loài Mastoniaeforis chaperi bắt gặp tại các khu vực đá Len Đao, đảo Phan Vinh, đảo Nam Yết ở các độ sâu khác nhau 10 m, 18-20 m và 16 m tương ứng trên san hô chết, dưới các khối đá; loài Mastoniaeforis lifuana ghi nhận được tại đảo Phan Vinh, bãi Thuyền Chài ở các độ sâu 18-21 m, 12 m và 9 m trên san hô chết, vỏ sinh vật cũ, dưới các khối đá và loài Mastoniaeforis speciosa cũng phát hiện được tại đảo Phan Vinh, bãi Thuyền Chài ở các độ sâu 12 m và 9 m trên san hô chết, vỏ sinh vật cũ, dưới đá. Đây là lần đầu tiên ghi nhận được giống Mastoniaeforis ở Biển Đông, với 03 loài ghi nhận mới phát hiện ở quần đảo Trường Sa đã nâng tổng số loài thuộc họ Triphoridae ở Việt Nam lên 11 loài, 6 giống.

Hình ảnh loài Mastoniaeforis chaperi Jousseaume, 1884 A-B Hình ảnh mẫu chuẩn được lưu tại bảo tàng lịch sử tự nhiên Quốc gia Pháp. C-D Hình ảnh mẫu vật thu được ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Những minh chứng xác thực về loài hải quỳ Cryptodendrum adhaesivum
Cryptodendrum adhaesivum là loài hải quỳ duy nhất trong họ Thalassianthidae phân bố rộng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và đã được miêu tả qua rất nhiều hình ảnh trên các trang web đại chúng, cũng như được ghi chép trong các tài liệu, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, không phải tất cả chúng đều thực sự là loài này. Từ năm 2007 đến năm 2021, trong các chuyến khảo sát ở vùng biển Việt Nam, nhóm cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga đã ghi nhận được sự hiện diện của loài Cryptodendrum adhaesivum. Riêng tại quần đảo Trường Sa, loài này bắt gặp tại các khu vực gồm đảo đá Lớn ở độ sâu 7-10 m, nền đáy là các khối đá lớn; đảo đá Lát ở độ sâu 5-7 m, nền đáy là đá vụn san hô và đảo Song Tử Tây phát hiện trên nền đáy là đá vôi với san hô cành chết. Theo các cán bộ nghiên cứu Grebelnyi S.D. và Trần Văn Đạt, những phát hiện về loài này thông qua các mẫu thu được, lặn quan sát trực tiếp và nhiều hình ảnh được chụp lại là những bằng chứng xác thực đầu tiên ghi nhận sự hiện diện của C. adhaesivum ở vùng biển ven bờ Việt Nam và quần đảo Trường Sa.

Một số hình ảnh về hình dạng và cấu tạo chi tiết của loài C. adhaesivum

Các loài ốc song kinh hiếm giống Acanthochitoda 

Mặc dù đã có một lượng lớn các công trình công bố, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn cho rằng, thành phần loài của khu hệ ốc song kinh (Mollusca: Polyplacophora), nhất là giống Acanthochitona Gray, 1821 ở Tây Bắc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn còn được biết đến rất ít. Điều này đã được chứng minh qua kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Gs.TSKH Sirenko (2012), Sirenko và Saito (2017) trong đó công bố phát hiện 9 loài mới thuộc giống này. Trong các chuyến khảo sát từ năm 2018-2020, nhóm cán bộ nghiên cứu gồm Sirenko B.I. và Nguyễn Tài Tú đã ghi nhận được 3 loài thuộc giống Acanthochitona ở quần đảo Trường Sa, 2 loài trong số này là các loài hiếm và 1 loài mới đối với khoa học.Thông tin từ nhóm nghiên cứu cho biết, loài Acanthochitona intermedia thu thập được ở khu vực đá Lớn, Len Đao, Tốc Tan ở các độ sâu khác nhau từ 1,5 m đến 18 m trên vỏ sinh vật đã chết và san hô chết, vỏ trai tai tượng đã chết và san hô chết. Loài Acanthochitona saitoi ghi nhận được ở khu vực đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa Đông, đá Lớn, Len Đao, Tốc Tan, Thuyền Chài, Đá Lát ở độ sâu từ 1,5 m đến 42 m trên san hô chết và vỏ trai tai tượng đã chết. Loài mới đối với khoa học Acanthochitona spratlyenses Sirenko & Nguyen Tai, 2021 bắt gặp ở Song Tử Tây, Trường Sa Đông, Đá Lát ở độ sâu 14-23 m trên san hô chết và vỏ trai tai tượng đã chết.

Các mẫu Acanthochitona hoàn chỉnh ở quần đảo Trường Sa nhìn từ mặt lưng. (A) và (C) loài Acanthochitona intermedia; (B) loài A. saitoi; (D), (E) và (F) loài A. spratlyenses Sirenko & Nguyen Tai, 2021

   Tin bài: Nguyễn Quốc Khánh (Viện Sinh thái Nhiệt đới)

TextFooter
Thông báo
Đóng