Giới thiệu
Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam có một vị trí vô cùng quan trọng trên các mặt quốc phòng, an ninh, kinh tế biển, an toàn hàng hải, đối ngoại, là cửa ngõ Quốc gia trên biển Đông. Ngoài ý nghĩa trên, vùng viển, đảo này còn có những giá trị nổi bật và độc đáo về tài nguyên, môi trường, nhất là các đặc trưng về sinh thái và tài nguyên sinh vật đại dương.
Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm về phía Nam Biển Đông, ở trong khoảng từ 6030’ đến 12000 độ vĩ Bắc, 111000 đến 117020’ độ kinh Đông, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 248 hải lý và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) gần 600 hải lý. Đây là quần thể gồm hơn 100 đảo, bãi ngầm, bãi san hô, trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000 km2 và án ngữ vùng biển rộng phía Đông Nam nước ta. Căn cứ vào vị trí và khoảng cách giữa các đảo, quần đảo Trường Sa được chia thành tám cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên.
Thảm thực vật ở quần đảo Trường Sa tương đối phong phú với nhiều loại cây xanh, như: phong ba, mù u, bàng vuông, phi lao và một số dây leo, cỏ dại vùng nhiệt đới. Đặc biệt, trên đảo Song Tử Đông có cả vườn dừa và nhiều cây nhỏ. Nguồn lợi hải sản ở Trường Sa cũng rất đa dạng, bao gồm nhiều loại động vật quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao, nhất là tôm hùm, vích và cá ngừ đại dương, v.v.
Cơ sở dữ liệu sinh thái và đa dạng sinh học là một hệ thống thông tin không thể thiếu trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên sinh vật, nó có cấu trúc, có tính nhất quán được lưu trữ, truy cập và chia sẻ...với nhiều hình thức khác nhau, phục vụ nhiều nhu cầu khai tác sử dụng. Với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật hiện nay, đặc biệt là công nghệ 4.0 thì việc áp dụng những hệ quản trị dữ liệu tiên tiến, hiện đại nhằm tối ưu hóa cơ sở dữ liệu đảm bảo tính linh hoạt theo nhu cầu người dùng, tính bảo mật toàn vẹn dữ liệu, nâng cao khả năng truy xuất dữ liệu, mở rộng khả năng chia sẻ thông tin và mang tính trực quan đang là sự lựa chọn hàng đầu cho nhiều nhà quản lý cơ sở dữ liệu.
“Những năm gần đây, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga tập trung triển khai nghiên cứu, khảo sát về sinh thái, tài nguyên sinh vật khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Một phần kết quả đó được tổng hợp, xây dựng thành bộ cơ sở dữ liệu dạng số trực tuyến (online atlas) các loài sinh vật khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Atlas đã tổng hợp và thực hiện đưa bộ cơ sở dữ liệu gồm danh mục và thông tin mô tả chi tiết từng loài sinh vật được Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga ghi nhận tại khu vực quần đảo Trường Sa gồm 426 loài, trong đó có 203 loài cá biển và 223 loài sinh vật cạn.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.”