Tắc kè
Lớp: Bò sát
Bộ: Có vảy
Họ: Gekkonidae
Giống: Gekko
Tên khoa học: Gekko gecko (Linnaeus, 1758)
Tên Việt Nam: Tắc kè
Đặc điểm sinh học: Cơ thể có cỡ trung bình. Đầu dẹp gần với hình tam giác phủ vẩy dạng hạt. Mí mắt là một màng trong suốt phủ lên cầu mắt (do đó có cảm giác như thiếu mi mắt), con ngươi dọc. Lưng có nhiều nốt sần lớn. Chân có năm ngón có vuốt (trừ ngón cái), ngón chân nở rộng, dưới các ngón có những bản mỏng nằm theo chiều ngang có tác dụng như giác bám, nhờ đó con vật có thể leo trên vách đá dựng đứng hoặc trên trần nhà. ở mặt dưới mỗi bên đùi thấy rất rõ ở cá thể đực một hàng vảy có lỗ (lỗ trước huyệt). Hai hàng vảy có lỗ trước huyệt này ở mặt dưới mỗi bên đùi xếp theo hình chữ V ngược, bao giờ cũng gồm từ 9 đến 19 lỗ. ở cá thể cái không có các lỗ trước huyệt.
Mặt lưng màu xám nhạt, có nhiều chấm sáng hay vàng nhạt. Mặt bụng có mầu trắng đục, đôi khi có những chấm vàng nhỏ. Đuôi có những khúc xám đen xen với các khúc vàng nhạt, rất rõ ở cá thể non.
Đặc điểm sinh thái: Trong tự nhiên, sống trong hốc cây, khe đá. Trong nhà dân chúng sống trong khe hoặc trong các hốc tường dưới mái nhà. Ăn sâu bọ, côn trùng kiếm mồi vào lúc chập tối, đến nửa đêm. Nhiệt độ thích hợp 24-310C. Mùa giao phối vào tháng 4, ứng với thời gian tắc kè đực kêu nhiều. Tắc kè cái có thể đẻ 1-3 lứa/năm; lứa thứ nhất cách lứa thứ hai một tháng, lứa thứ hai cách lứa thứ ba khoảng 12 ngày; thường đẻ vào tháng 5 đến tháng 7 đôi khi tháng 8. Thường đẻ 2 trứng/lứa. Trứng có vỏ đá vôi, thoạt đầu vỏ còn mềm tiết chất dính, dính chặt trứng vào giá thể. Thời gian trứng nở kéo dài từ 81 đến 85 ngày. Tắc kè mới nở dài 84-106 m, nặng 2,6-4,6 g. Tắc kè lột xác 9-12 lần/năm.
Giá trị sử dụng: Tắc kè được coi là vị thuốc chữa các chứng ho và chữa suy nhược thần kinh đau ngang thắt lưng, đồng thời có tác dụng bổ. Trước đây vào những năm 60 của thế kỉ XX khi Tắc kè trong tự nhiên còn nhiều, được xuất sang Trung Quốc. Tắc kè ăn côn trùng nên có lợi cho lâm, nông nghiệp.
Phân bố: Trong nước: Tắc kè phân bố ở hầu hết các tỉnh trung du và miền núi, thậm chí có cả ở các vùng đồng bằng trong cả nước. Mới đây các nhà khoa học đã xác định có 2 loài tắc kè ở Việt Nam là Gekko gecko và Gekko reevesii.
Thế giới: Bănglađét, Ấn Độ, Nêpan, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Cămpuchia, Malaixia, Philippin, Inđônêxia.
Tình trạng bảo tồn: Sắp nguy cấp.