TextHead
TextBody
logo
ATLAS CÁC LOÀI SINH VẬT
Quần Đảo Trường Sa
icon

Acanthurus lineatus (Linnaeus, 1758)

Ngày đăng: 23/02/2023

Ảnh: Oleg Savinkin Vladimirocich và cs.

Lớp: cá Vây tia 

Bộ: cá Vược

Họ: cá Đuôi gai 

Giống: Acanthurus

Loài: Acanthurus lineatus (Linnaeus, 1758)

Mô tả hình thái: tổng số gai vây lưng: 9; tổng số tia vây lưng: 27-30; số gai vây hậu môn: 3; số tia vây hậu môn: 25-28; số tia vây ngực: 16; số gai vây bụng: 1; số tia vây bụng: 5; số lược mang: 14-16.(1) Chiều dài tối đa: 38 cm; chiều dài phổ biến: 25 cm. Cơ thể hình bầu dục thuôn dài. Đầu có màu vàng cam với các dải màu xanh lam sáng. Thân trên có các dải sọc màu vàng và xanh lam viền đen xen kẽ nhau. Thân dưới màu trắng xanh hoặc màu tím nhạt; ánh vàng ở dưới bụng. Vây lưng và vây hậu môn màu xám đen, có dải viền màu xanh ánh kim ở rìa; vây hậu môn có dải màu vàng ở sát gốc vây. Vây đuôi lõm sâu, hình lưỡi liềm, màu xám đen với một dải hình lưỡi liềm hẹp hơn ở rìa sau vây đuôi, được viền màu xanh ánh kim; có một mảng màu đen sẫm ở giữa vây đuôi. Có một mảnh xương nhọn màu vàng chĩa ra ở mỗi bên cuống đuôi, tạo thành ngạnh sắc. Ngạnh này có nọc độc và có thể gây đau nếu chạm phải. Vây ngực trong suốt, ngoại trừ phần gốc vây tiệp màu với thân. Vây bụng màu vàng cam với rìa màu trắng, và một dải đen ở cận rìa. 

Thức ăn: A. lineatus là một loài ăn tạp, chúng ăn các loại tảo, cũng như động vật giáp xác.(1) 

Phân bố trên thế giới: Dọc theo đường bờ biển Đông Phi, phân bố trải dài về phía đông đến quần đảo Marquises và Tuamotu (Pháp), băng qua phần lớn những vùng biển thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ngược lên phía Bắc đến vùng biển phía Nam Nhật Bản, giới hạn phía nam đến bờ đông Úc.(1) 
Đời sống gắn với các rạn san hô, ở rãnh nước nông trong các đầm phá có độ sâu đến ít nhất là 15 m. Cá trưởng thành sống theo đàn, trong khi cá con sống đơn độc.. A. lineatus là loài có tính lãnh thổ cao và rất hung hãn.(1) 

Phân bố ở Việt Nam: Cù Lao Chàm (Quảng Nam), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.(2)

Tình trạng bảo tồn: ít được quan tâm.

Tài liệu trích dẫn:

1. Randall, J.E., 1986. Acanthuridae. p. 811-823. In M.M. Smith and P.C. Heemstra (eds.) Smiths' sea fishes. Springer - Verlag, Berlin.

2. Nguyễn Văn Long; Mai Xuân Đạt (2020). “Đặc trưng nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” (PDF). Vietnam Journal of Marine Science and Technology. 20 (1): 105–120. doi:10.15625/1859-3097/13553. ISSN 1859-3097.

3. Nguyễn Văn Long (2016). “Hiện trạng và biến động quần xã cá rạn san hô ở khu bảo tồn biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” (PDF). Tuyển tập Nghiên Cứu Biển. 22: 111–125.

4. Mai Xuân Đạt; Nguyễn Văn Long; Phan Thị Kim Hồng (2020). “Cá rạn san hô ở vùng biển ven bờ tỉnh Ninh Thuận” (PDF). Tạp chí Khoa học và Công nghệ biển. 20 (4A): 125–139. doi:10.15625/1859-3097/15656. ISSN 1859-3097.

 5.  Nguyễn Hữu Phụng (2002). “Thành phần cá rạn san hô biển Việt Nam” (PDF). Tuyển tập Báo cáo Khoa học Hội nghị Khoa học "Biển Đông-2002": 275–308.

TextFooter
Thông báo
Đóng